CÁC BÀI TẬP GIÚP CẢI THIỆN TRÍ NHỚ NGẮN HẠN

Image 27/07/2022 08:46

Image Dịch thuật

Trong phiên dịch, đặc biệt là phiên dịch nối tiếp, trí nhớ ngắn hạn đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với người phiên dịch bởi nó quyết định nội dung bản dịch có đầy đủ và chính xác hay không. Vì thế, việc luyện tập, để phát triển khả năng ghi nhớ ngắn hạn là vô cùng cần thiết. Trong bài viết này, Sao Khuê sẽ chỉ cho bạn một số cách để tập luyện kỹ năng ghi nhớ ngắn hạn hiệu quả mà được cả các phiên dịch viên và giảng viên phiên dịch sử dụng. 

I. TRÍ NHỚ NGẮN HẠN LÀ GÌ?

Trí nhớ ngắn hạn là khả năng lưu trữ và xử lý một lượng thông tin nhỏ trong miền kí ức tạm thời nhằm đạt được những mục tiêu ngắn hạn. Ví dụ, trong phiên dịch, trí nhớ ngắn hạn giúp phiên dịch viên có thể ghi nhớ tạm thời thông tin mà khách hàng nói sau đó phiên dịch lại ngay lập tức sang ngôn ngữ đích. 

II. CÁC BÀI TẬP GIÚP CẢI THIỆN TRÍ NHỚ NGẮN HẠN 

1. Shadowing

Shadowing, hay còn gọi là “kĩ thuật nhại bóng”, là bài tập mà bạn cần lặp lại từng từ một theo diễn giả. Thông qua bài tập này, phiên dịch viên luyện tập được khả năng nghe và nói cùng lúc. Shadowing cũng rất hữu ích trong việc phát triển trí nhớ do bài tập này buộc phiên dịch viên phải ghi nhớ và truy hồi những nhóm nhỏ âm thanh, từ ngữ và thông tin trong một khoảng thời gian ngắn. 

Phiên dịch nên bắt đầu bằng những đoạn phát biểu ngắn, sau đó tăng dần độ dài. Khi luyện tập, bạn có thể ghi âm một đoạn văn bản hoặc sử dụng bài phát biểu trên youtube rồi “nhại” theo những gì người ta nói. Sau khi đã quen với tốc độ của người nói, bạn có thể lặp lại sau khi người nói đã dừng lại được một lúc, tương tự như hình thức dịch nối tiếp. Điều này sẽ giúp cải thiện trí nhớ ngắn hạn của bạn hiệu quả đấy.

2. Chú ý lắng nghe các yếu tố chính

Lắng nghe là một yếu tố quan trọng để truy hồi các thông tin đã ghi nhớ. Nếu chưa lắng nghe cẩn thận thì bạn không thể nhớ lại những thông tin cũ. Đầu tiên, để lắng nghe, bạn cần xác định được các ý chính của bài nói bằng cách trả lời được các câu hỏi quan trọng như “Ai? Cái gì? Khi nào? Ở đâu? Tại sao? Làm sao? (Who? What? When? Where? Why? How?)".

Mặc dù không phải lúc nào bạn cũng có thể trả lời tất cả, nhưng khi đã có thể trả lời hầu hết các câu hỏi đó chứng tỏ bạn đã lắng nghe rất tốt và có khả năng ghi nhớ những ý chính trong bài phát biểu của diễn giả, từ đó có thể phiên dịch đủ ý.

3. Tăng dần khả năng ghi nhớ thông tin

Trí nhớ tốt phải được phát triển dần dần. Cụ thể, khi luyện tập với một bài nói dài khoảng 50 đến 60 chữ, trong lần đầu tiên, phiên dịch viên nên nghe văn bản một lần và xác định các ý chính. Sau lần thứ hai, phiên dịch viên có thể bổ sung thêm chi tiết cho các ý chính. Đến lần cuối cùng, phiên dịch viên sẽ có thể nhớ lại tất cả các chi tiết.

Khi biết rằng không cần thiết phải ghi nhớ lại tất cả các chi tiết ngay từ đầu, phiên dịch viên sẽ thoải mái hơn và sẽ nhớ được nhiều chi tiết hơn là khi họ căng thẳng. Khi đã thành thạo hơn trong việc này, số lần nghe có thể được giảm xuống còn hai và độ dài của văn bản có thể tăng lên. Mục tiêu cuối cùng là người dịch có thể ghi nhớ tất cả các chi tiết trong một bài phát biểu khoảng 50 từ chỉ sau 1 lần nghe. Bởi khi đi dịch nối tiếp, bạn cũng chỉ có một lần nghe, vì thế hãy cố gắng ghi nhớ được nhiều thông tin nhất có thể.

4. Luyện tập trí nhớ ngắn hạn qua hình dung

Hầu hết mọi người là những người học qua thị giác, điều này có nghĩa là con người nhớ hình ảnh dễ hơn là khi được kể hoặc đọc trên giấy. Hình ảnh lưu lại trong tâm trí chúng ta lâu hơn nhiều so với thông tin trừu tượng. Vì lý do này, các chuyên gia gợi ý rằng người ta nên lưu giữ các loại thông tin khác nhau một cách trực quan bằng cách tạo ra các hình ảnh trong não. 

Ví dụ, phiên dịch viên tòa án thường phải dịch các mô tả của nhân chứng (địa điểm, nghi phạm, v.v.) nên việc tạo ra hình ảnh trong đầu về hiện trường, về phương thức gây án sẽ dễ dàng ghi nhớ hơn. Hình ảnh nên được hình dung từng bước và theo thứ tự tuần tự, giúp thông dịch viên tái tạo toàn bộ cảnh tượng lúc đó. Những mô tả này rất lý tưởng cho việc sử dụng trực quan để cải thiện trí nhớ ngắn hạn.

Những bài tập này chỉ là một vài ví dụ để rèn luyện trí nhớ ngắn hạn. Tuy nhiên, bởi mỗi người là duy nhất, và tâm trí của ta cũng thế, những bài tập này có thể sẽ hiệu quả với người này nhưng lại không thích hợp người khác. Vì thế, để trở thành một phiên dịch viên chuyên nghiệp với trí nhớ ngắn hạn siêu việt, bạn nên thử nhiều bài tập và tìm ra cách luyện tập phù hợp với bản thân mình nhất. 

Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm thêm cho mình những khóa học phiên dịch để có những người thầy, người bạn giúp bạn cùng cải thiện kĩ năng này, rút ngắn con đường trở thành một phiên dịch viên chuyên nghiệp. Sắp tới, Học viện Tài năng Sao Khuê sẽ khai giảng khóa học Phiên dịch nối tiếp nâng cao, bạn có thể tham khảo khóa học này tại đây hoặc liên hệ ngay tới số hotline 0973 635 479 để được tư vấn nhé! 

*Sưu tầm và lược dịch: Học viện Tài năng Sao Khuê

 
Thong ke