Những tố chất cần thiết để trở thành phiên dịch giỏi
15/04/2017 12:07
Dịch thuật
Ngày nay, Google Translate cũng như rất nhiều trang từ điển online và các phần mềm, ứng dụng từ điển đã giúp chúng ta rất nhiều khi gặp phải vấn đề về ngôn ngữ. Hiểu được văn bản nói gì là một chuyện, nhưng truyền đạt lại được chúng trên giấy bằng ngôn ngữ đích một cách rõ nghĩa, đúng văn phong bản địa nhưng phải giữ được nguyên sắc thái nghĩa gốc thì người biên dịch viễn cần phải có những kỹ năng nhất định
Kỹ năng ngôn ngữ: Biên dịch giỏi là người có hiểu biết tường tận về ngôn ngữ, bao gồm cả ngôn ngữ nguồn (source language) và ngôn ngữ đích (target language). Người dịch phải nắm vững các cấu trúc câu, từ vựng, thành ngữ, tục ngữ và văn phong trong ngôn ngữ mà mình cần dịch để có thể diễn đạt thông điệp cần chuyển tải theo cách tự nhiên và phù hợp nhất. Ngoài ra, biên dịch giỏi còn là người không ngừng nâng cao, trau dồi kiến thức ngôn ngữ của bản thân để có thể cập nhật, theo kịp quá trình không ngừng vận động và phát triển tất yếu của bất kỳ ngôn ngữ nào.
Kỹ năng dịch: Để tránh mắc phải lỗi dịch quá bám từ (word-by-word translation), một trong những lỗi thường mắc trong biên dịch, người dịch cần có kỹ năng phân tích văn bản, phân tích câu và xử lý các tình huống khó khăn gặp phải trong quá trình dịch văn bản. Ngoài ra, người dịch cũng cần có tư duy nhạy bén để dung hòa các yếu tố về văn hóa-xã hội, sự khác nhau về tư duy, cách suy nghĩ giữa các quốc gia, dân tộc trong bản dịch của mình. Thêm vào đó, người biên dịch cũng cần thông thạo việc đọc và sửa, hiệu đính bản dịch.
Có kiến thức nền tốt, am hiểu nhiều lĩnh vực: Trong quá trình làm việc, biên dịch viên không thể tránh khỏi việc phải dịch và xử lý các tài liệu thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau từ kinh tế, văn hóa, xã hội, luật, khoa học, kỹ thuật, giáo dục, du lịch, văn học cho đến nghệ thuật, thời trang, ẩm thực, v.v… Mỗi lĩnh vực này lại bao gồm nhiều chủ đề nhỏ hơn. Ví dụ: các chủ đề như tài chính-ngân hàng, bảo hiểm, đầu tư, chứng khoán đều thuộc lĩnh vực kinh tế. Để làm tốt công việc của mình, biên dịch viên nhất thiết phải trang bị cho mình kiến thức , thông tin về nhiều lĩnh vực khác nhau. Ngoài ra, biên dịch viên có thể học chuyên sâu về một lĩnh vực nhất định để tạo nên thế mạnh riêng biệt cho bản thân. Có kiến thức vững vàng sẽ giúp biên dịch viên phân tích, hiểu được ý tưởng của người viết và do đó chuyển tải thông điệp tốt hơn.
Kỹ năng sử dụng máy tính và tra cứu thông tin tốt: Nghề biên dịch là nghề thường xuyên phải tiếp xúc và làm việc với máy vi tính, do đó, người dịch càng am hiểu, sử dụng máy vi tính thành thạo bao nhiêu thì công việc càng thuận lợi và dễ dàng bấy nhiêu. Người biên dịch không cần phải là người biết lập trình các phần mềm máy tính nhưng cần phải có kỹ năng gõ văn bản, nắm vững các chương trình tin học văn phòng (biết cách khai thác các tiện ích trong word,excel, internet, xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu) và các phần mềm hỗ trợ dịch thuật. Trong quá trình biên dịch, người dịch cũng thường xuyên phải sử dụng các máy tìm kiếm, từ điển tiếng, từ điển chuyên ngành để tìm hiểu về một khái niệm mới. Do vậy, kỹ năng tra cứu cũng là một trong số các yêu cầu đòi hỏi đối với một biên dịch.
Quản lý thời gian và chịu được áp lực công việc cao: Có rất nhiều áp lực tồn tại trong nghề dịch nói chung và nghề biên dịch nói riêng . Một trong số đó là áp lực về mặt thời gian. Người biên dịch luôn luôn phải làm việc với sức ép tiến độ cao để hoàn thành thời gian định mức và giao bài dịch đúng hạn tới tay khách hàng. Do vậy, một trong những tố chất cần thiết của một biên dịch là biết quản lý, phân chia quỹ thời gian làm việc hợp lý và chịu được sức ép công việc cao.
Đánh giá đúng năng lực của bản thân: Đây là tiêu chí cuối cùng trong 5 tiêu chí cơ bản mà một người biên dịch giỏi cần sở hữu. Binh pháp Tôn Tử có câu “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng” và câu nói này đúng với cả trong nghề dịch. Người biên dịch cần phải đánh giá đúng năng lực của mình. Trước khi nhận dịch một tài liệu nào cũng cần phải xem xét, cân nhắc kỹ xem mình có đủ khả năng dịch hay không. Tuy nhiên, người dịch cũng không nên có tâm lý tự ti, không dám thử sức trong những lĩnh vực mới.